Suốt năm 2016, giá đất tại Hà Nội và Tp.HCM liên tục đi lên và kênh đầu tư này được dự báo vẫn sôi động với mạch tăng kéo dài trong năm 2017.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp BĐS, trong năm 2017, phân khúc đất nền sẽ tiếp tục chiếm ưu thế cùng với xu hướng ly tâm, chuyển dịch nguồn cung và sức mua từ trung tâm ra các vùng đô thị vệ tinh.


Lợi thế kết nối Tp.HCM


Trong năm 2016, hai tỉnh giáp ranh Tp.HCM là Long An, Đồng Nai ghi nhận cuộc đổ bộ quy mô lớn của nhiều nhà đầu tư tên tuổi với nhiều dự án có vốn đầu tư lên tới hàng chục triệu USD như Thành phố sinh thái Five Star Eco City (450ha), Khu phức hợp giải trí HappyLand (700 ha), Khu đô thị sinh thái Cát Tường Phú Sinh (79 ha- giai đoạn 1), cùng với hàng loạt Khu dân cư như Nam Long, Long Hậu, Tân Đô…


Giải thích về “sức hút” của đất nền Long An, theo ông Phạm Thành Doanh – Phó Giám đốc Marketing Công ty BĐS GotecLand, là do giá nhà đất khu vực này đang ở mức có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng trong thời gian qua như tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, tuyến cao tốc Tp.HCM – Trung Lương, Đại lộ Võ Văn Kiệt (Đại lộ Đông – Tây), đường Nguyễn Văn Linh…càng làm cho BĐS Long An tăng thêm hấp lực. Mới đây, việc UBND tỉnh Long An vừa ký kết 4 biên bản ghi nhớ đầu tư với các công ty liên doanh nước ngoài và doanh nghiệp trong nước để triển khai dự án trục giao thông nối Tiền Giang – Long An – Tp.HCM…dự báo sẽ giúp thị trường nhà đất Long An sôi động hơn nữa trong năm 2017.



Hạ tầng giao thông phát triển nhanh và mạnh là tiền đề thuận lợi cho xu


hướng dịch chuyển các dự án đất nền ra khu vực đô thị lân cận Tp.HCM




Nếu Long An thu hút nhà đầu tư từ khu Tây Nam thì Đồng Nai được dự báo sẽ là thị trường kế thừa sức mua mạnh mẽ của khu Đông Sài Gòn. Biên Hoà, Nhơn Trạch là hai huyện được nhắm đến để tập trung triển khai nhiều dự án lớn. Hiện tại hai khu vực này đang là tâm điểm giao dịch của thị trường với loạt dự án: Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, Khu đô thị Đại Phước Lotus, Khu đô thị Dầu Giây Center City, KDC Sakura Valley, Viva City, Green Life City, Khu đô thị sân bay Blue Topaz, Airline City…


Bên cạnh đó, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang dần định hình, quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2, Tp.HCM với huyện Nhơn Trạch, tuyến Metro nối liền Tp. Biên Hòa với khu Đông Sài Gòn là những dự án hạ tầng đã và đang làm thay đổi bộ mặt thị trường nhà đất Đồng Nai. Việc kéo gần khoảng cách giữa 2 khu vực góp phần hỗ trợ cho kế hoạch giãn dân của Tp.HCM diễn ra thuận lợi hơn. Động thái này sẽ giúp nhà đất Đồng Nai tiếp tục duy trì tốc độ phát triển thuận lợi trong năm 2017 tới.


Ly tâm- xu hướng dịch chuyển tất yếu


Nhìn nhận về hoạt động của phân khúc đất nền trong năm 2016, Bà Trần Thị Cẩm Tú – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ BĐS Eximrs cho rằng: “Tâm lý chung của đại đa số người Việt vẫn chuộng mua đất để tích lũy tài sản nên dù thị trường gặp đôi chút khó khăn, phân khúc này vẫn liên tiếp ghi nhận lượng giao dịch tốt từ quý I/2016 đến nay. Nhu cầu sở hữu nhà gắn với đất trong dân còn nhiều, nguồn cung lại hạn chế nên trong năm 2017 tới, phân khúc đất nền sẽ vẫn chiếm ưu thế”.



Xu hướng đầu tư nhà đất đang đổ về các thị trường vùng ven, nơi có quỹ đất đa dạng và giá thành hợp lý.




Đồng quan điểm với bà Tú, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM đánh giá, 2017 sẽ tiếp tục là năm ăn nên làm ra của phân khúc đất nền. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất trung tâm khan hiếm, giá đất một số quận huyện trọng điểm phát triển đất nền ở Tp.HCM như: quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè… đã tăng mạnh từ 20 -50% trong thời gian qua. Do đó, nguồn cung phân khúc này sẽ phải dịch chuyển khu vực hoạt động, vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong vùng đô thị Tp.HCM để hướng về khu vực giáp ranh thành phố. “Những nơi đó nhà đất có giá cả hợp lý, hạ tầng hoàn thiện, pháp lý rõ ràng, mang lại sự lựa chọn phù hợp hơn cho nhà đầu tư và người mua thực có nguồn vốn hạn chế” – ông Châu cho biết.


Cũng theo ông Châu, từ năm 2020-2050, đồ án quy hoạch vùng Tp.HCM sẽ bao gồm 8 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Tp.HCM là hạt nhân. Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như các tuyến vành đai và đường xuyên tâm kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ, cũng như những tuyến kết nối giữa các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành. Nếu xét theo quy luật hạ tầng phát triển đến đâu, BĐS đi theo đến đó, trong tương lai, nhà đất ở các tỉnh giáp ranh Tp.HCM sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.


Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Kinh doanh, Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) nhận định, với lợi thế hạ tầng hoàn thiện, giao thương kết nối thuận lợi, sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thật, quận 9 và các khu vực ven đô như Đức Hoà, Cần Giuộc (Long An), Long Thành, Biên Hoà, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) sẽ có sức mua mạnh nhất và là “điểm ngắm” mà các nhà đầu tư hướng tới.


Phương Uyên

(Theo Nhịp sống thời đại)

0938210086Tải bảng giá mới nhất